Thành công của SEA Games 31: Kết quả của sự đồng lòng

11/07/2022 Tin Emera
thành-công-của-sea-game-31

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) kết thúc thành công. Nước chủ nhà Việt Nam để lại ấn tượng lớn đới với người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều Đại hội quốc tế để đánh giá những mặt làm được và những hạn chế cần rút kinh nghiệm của kỳ SEA Games lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam.

Ông-Nguyễn Hồng Minh-nguyên-Phó-chủ-tịch-Ủy-ban-Olympic-Việt-Nam-nguyên-Trưởng-Đoàn-Thể-thao-Việt-Nam
Ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều Đại hội quốc tế. Ảnh: Bùi Lượng.

Việt Nam để lại hình ảnh ấn tượng

SEA Games 31 đã khép lại. Với vai trò là trưởng đoàn của nhiều kỳ đại hội từng được tổ chức tại Việt Nam và các nước, ông có đánh giá tổng quát về kỳ Đại hội với nhiều dấu ấn đặc biệt này?

– Đầu tiên, tôi phải chúc mừng những nỗ lực của Ban Tổ chức để cố gắng hoàn thành một kỳ SEA Games đặc biệt. Năm 2021, Việt Nam phải hoãn tổ chức SEA Games vì dịch bệnh và gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi tổ chức vào năm 2022, chúng ta đã thực hiện được một kỳ Đại hội với nhiều ấn tượng với bạn bè khu vực.

Ngay sau khi thi đấu xong, tôi tổng kết chúng ta có 20 môn thể thao trong chương trình Olympic khi tổ chức và giành được 124 HCV, chiếm 63%. Trong khi đó, các môn võ thuật là có 12 và được xem là “mỏ vàng”, giành được 85 HCV, chiếm tới 44%. Ngoài ra các môn thể thao khác, các môn xã hội hoácó sự chuyển đổi tích cực. So với thời điểm sau SEA Games 2015 ở Singapore, tỉ lệ các môn thể thao Olympic giành được HCV đó là 81/82. Dù lần này, chúng ta thu nhiều thắng lợi nhưng mà chưa bằng tỉ lệ đó. Tôi phải nhắc lại đó là cột mốc đánh dấu một bước chuyển mình, chuyển hướng của thể thao Việt Nam.

Việt-Nam-để-lại-ấn-tượng-tốt-đẹp-sau-SE-Games-31
Việt Nam để lại hình ảnh ấn tượng tốt đẹp sau SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai SEA Games. Sau 19 năm, công tác tổ chức để lại ấn tượng gì với ông?

-SEA Games 31 được tổ chức tốt. Tất cả các nơi đều nhận được sự quan tâm của từ T.Ư tới các chính quyền địa phương. Các địa điểm tổ chức đều tốt ví dụ như Nhà thi đấu Hải Dương, Nhà thi đấu Ninh Bình, Nhà thi đấu Quảng Ninh rồi các sân vận động Việt Trì, sân vận động Thiên Trường… các khu vực thi đấu thuộc địa bàn TP Hà Nội đều được tổ chức chặt chẽ, vệ sinh môi trường tốt. Đặc biệt nhất là sự quan tâm của chính quyền, không phải chỉ là Sở VH&TT Hà Nội, mà chính quyền các quận/huyện, Nhân dân đều tham gia rất tích cực và nhiệt tình; điều đó cho thấy là thể thao bây giờ nhận được sự ủng hộ rất cao.

Bên cạnh đó, công tác phục vụ như khách sạn, các cơ sở du lịch làm rất tốt. Hiện nay điều kiện kinh tế đất nước phát triển so với lần đầu chúng ta tổ chức năm 2003, Việt Nam có nhiều khách sạn tốt, tinh thần thái độ phục vụ thay đổi hơn ngày xưa rất nhiều, để lại ấn tượng tốt cho khách, bạn bè quốc tế. Lực lượng an ninh, bảo vệ, giao thông đảm bảo, thái độ hết sức nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trực chặt chẽ và nghiêm chỉnh. Tất cả những điều chúng ta làm được cho thấy sự đồng lòng thực hiện tốt của các cấp, đặc biệt là các cơ sở thi đấu ở Hà Nội mà tôi tham dự rất đáng hoan nghênh. Chỉ có một nhược điểm là phục vụ xe đưa đón VĐV, xe đưa đón lãnh đạo, các quan chức khi việc tổng điều phối còn chậm trễ gây trở ngại cho một số địa điểm và trong quá trình tổ chức. Cái này thì không biết nguyên nhân là do đâu, nhưng rõ ràng nó là trở ngại gây những điều không hài lòng và bức xúc cho một số quan chức và các đoàn VĐV các nước bạn. Thông thường, mỗi một đội đi thi đấu thì đều có một xe và có dán biển, chờ ở chỗ địa điểm thi đấu, nhưng mà có khi xe này vừa phải phục vụ đội này, vừa phải phục vụ đội khác, cứ trống là điều đi do đó đến lúc đội đấy cần quay về thì lại không có xe. Cái đó là cái mà người ta kêu ca nhất trong kỳ Đại hội vừa rồi.

Việt Nam được bạn bè đánh giá cao khi khán giả đến cổ vũ đầy ắp tại địa điểm thi đấu. Ông đánh giá sao về điểm nhấn này?

Chúng ta phải công nhận khán giả Việt Nam rất nhiệt tình, công bằng, vô tư, không phải chỉ cổ vũ cho VĐV Việt Nam mà còn cổ vũ cho các VĐV nước ngoài. Các nhà thi đấu đều đông khán giả, rất nồng ấm. Đó là một trong những dấu ấn thành công của SEA Games 31.

Truyền thông trở thành sức mạnh của SEA Games

Truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng ở mỗi kỳ Đại hội, ông đánh giá gì về công tác truyền thông tại SEA Games 31?

-Về công tác truyền thông, truyền hình và báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh. Tất cả anh em phóng viên,biên tập viên, quay phim, đạo diễn… rất nỗ lực để chuyển tải cho toàn thể Nhân dân và phục vụ cả nước ngoài biết đến những trận đấu ở Việt Nam. Thời lượng trên truyền hình rất nhiều, đưa tin đầy đủ các trận đấu, thông tin kịp thời. Trung tâm báo chí cũng hoành tráng, phục vụ tốt. Công tác truyền thông của báo chí là hầu hết các báo đều có nhiều bình luận viên, phóng viên, viết bài kịp thời, phản ánh trung thực, một cái thái độ rất là khách quan. Tác dụng của tuyên truyền đã trở thành sức mạnh, sức mạnh của cả dân tộc. Quan trọng nữa là làm cho Nhân dân ta hiểu thể thao hơn, yêu mến thể thao hơn và đương nhiên như thế sẽ ủng hộ thể thao hơn.

Truyền-thông-đóng-vai-trò-quan-trọng-tại-SEA-Games-31
Truyền thông đóng vai trò quan trọng tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

(Nguồn Kinh Tế Đô Thị)

Link bài viết: https://kinhtedothi.vn/thanh-cong-cua-sea-games-31-ket-qua-cua-su-dong-long.html

Để lại bình luận