Ngân hàng ‘hiến kế’ hút khách thanh toán số
TP – Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Để duy trì, thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch, các ngân hàng liên tục nỗ lực cung cấp sản phẩm hiện đại, ưu việt, chi phí thấp, và an toàn nhất.
90% ngân hàng cam kết miễn phí giao dịch
Sáng 13/4, trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam lần 2, báo Tiền Phong và CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, thời gian qua hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách. NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Thời gian tới, ông Tuyên cho biết, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, Napas đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các Bộ/Cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để ứng dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến. Có 5 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí và thanh toán phí, lệ phí.
Ngoài ra, Napas đã triển khai thành công các phương thức TTKDTM, gồm: thanh toán qua thẻ chip do các ngân hàng phát hành, Thanh toán qua số tài khoản ngân hàng và phương thức thanh toán bằng mã VietQR mới được triển khai phối hợp cùng 2 ngân hàng là NCB và Nam Á Bank vào tháng 1 năm nay. “Hiện nay, trên 90% các ngân hàng đã cam kết miễn phí giao dịch cho khách hàng”, ông Minh nói.
“Hiến kế” hút khách thanh toán số
Nói về các giải pháp khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động TTKDTM, ông Lê Thanh Hà, đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: “Để khuyến khích khách hàng tham gia TTKDTM vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất”.
Theo ông Hà, chủ trương của Chính phủ tập trung phục hồi nền kinh tế, ngành ngân hàng tham gia sâu vào nội dung này. Với lĩnh vực thanh toán, bên cạnh giảm lãi suất, phí quan trọng. Thành công và hiệu ứng sâu là “đại tiệc phí” được các ngân hàng đồng loạt giảm thời gian gần đây. Các ngân hàng đồng loạt đưa ra phí 0 đồng trọn đời cho khách hàng của mình.
Kinh nghiệm từ phía ngân hàng, để thu hút khách hàng tham gia thanh toán số nhằm thay đổi thói quen dùng tiền mặt, bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm sản phẩm, Khối Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, từ năm 2017- 2021 với sản phẩm dịch vụ, ngân hàng online, các sản phẩm MB đều hướng tới tập trung giải quyết nhu cầu cơ bản cho khách hàng. MB miễn phí trọn đời 100% phí giao dịch trên ứng dụng. “Với giới trẻ, MB nhận thấy đây là đối tượng thúc đẩy thanh toán. Do đó ứng dụng phát hành thẻ ảo được hướng tới đối tượng này. Với mô hình phát hành thẻ ảo đã tiết kiệm chi phí, thanh toán lớn”, bà Mai Anh nói.
Còn bà Phan Thị Thanh Hà – Phó giám đốc trung tâm Thẻ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, khách hàng của Agribank thanh toán qua thẻ không phải trả bất cứ chi phí gì, thậm chí được hoàn tiền, và nhận thêm nhiều giá trị gia tăng khác.
Đánh giá về xu hướng TTKDTM hiện nay, PGS.TS Hoàng Xuân Quế (Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng -Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, xu hướng TTKDTM là xu hướng tất yếu của thế giới, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Việc không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, rất nhanh chóng, hiệu quả, nâng cao an toàn của cơ quan giám sát. Và đại dịch COVID-19 đã là đòn bẩy thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM trên toàn thế giới khi mà mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau. Hiện, nhiều gia đình đã thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học cho con qua các dịch vụ thanh toán. Đây là xu hướng tốt cho việc triển khai TTKDTM hiện nay đang triển khai ở Việt Nam. Đặc biệt giới trẻ là tác nhân mạnh mẽ nhất thúc đẩy việc TTKDTM hiện nay. Các nước châu Á phổ biến sử dụng QR, các nước châu Âu châu Mỹ vẫn phổ biến sử dụng thẻ. Tuy nhiên nhìn chung việc thanh toán số là xu hướng tất yếu và Việt Nam cũng sẽ sớm hòa chung vào dòng chảy này.
(Nguồn Báo Tiền Phong)
Link bài viết: https://tienphong.vn/ngan-hang-hien-ke-hut-khach-thanh-toan-so-post1430606.tpo