Tổng kết SEA Games 31: Kỳ Đại hội đầy kỷ lục và ấm áp tình người
SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam chính thức khép lại sau hơn 10 ngày tranh tài. Nhiều ban ngành, các bộ phận liên quan đã phối hợp làm nên thành công của Đại hội thể thao Đông Nam Á nhưng trên hết vẫn là sự hiếu khách và tinh thần thể thao của người hâm mộ Việt Nam. Tất cả tạo nên một SEA Games khó quên trong lòng bè bạn quốc tế.
Kỳ SEA Games thân thiện, nước chủ nhà hiếu khách
Khung cảnh 30.000 chỗ ngồi sân Thiên Trường (Nam Định) chật kín khán giả theo dõi các trận đấu ở bảng B môn bóng đá nam SEA Games là một đại diện tiêu biểu cho sự hiếu khách và tình yêu thể thao của người dân Việt Nam. Với con số 3 vạn người đến xem, đây là số lượng cổ động viên trung lập kỷ lục đến sân cổ vũ cho trận đấu không có chủ nhà trong lịch sử SEA game 31.
Sự cuồng nhiệt của khán giả Nam Định đã khiến Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan Madam Pang – người làm bóng đá lâu năm, cũng phải kinh ngạc. Bà và các cầu thủ Thái Lan nhiều lần đi bộ quanh sân sau trận đấu tri ân người hâm mộ Việt Nam.
“Tôi vui mừng khi thấy người hâm mộ bóng đá Việt Nam ở trong sân với sự nhiệt huyết. Bầu không khí thật tuyệt vời.Tôi đã ở trong môi trường bóng đá 16 năm rồi và cảm thấy bất ngờ về sự nhiệt huyết này. Tôi thích cảm giác của bầu không khí này, rất thân thiện và cảm ơn sự cổ vũ của người hâm mộ Việt Nam”, nữ tỷ phú 56 tuổi chia sẻ.
Trước đó, rất đông CĐV Nam Định đã tập trung nơi U23 Lào lưu trú để tiếp thêm sức mạnh cho nước bạn anh em. Toàn thể các cầu thủ U23 Lào không giấu được sự xúc động và xuống tận nơi để cảm ơn. Nhiều khán giả Lào nói vui rằng, sân Thiên Trường chính là sân nhà của U23 Lào. Hội CĐV Nam Định đã rất nỗ lực để may quốc kỳ Lào và chuẩn bị những tấm băng rôn cổ động để giúp đội bạn có cảm giác như chơi trên sân nhà.
Không chỉ ở môn bóng đá, người hâm mộ Việt Nam phủ kín sân thi đấu ở nhiều bộ môn khác. Bên cạnh sự hiếu khách đã là truyền thống ngàn đời, người Việt Nam thật sự rất yêu thể thao. Không dễ tìm khung cảnh hàng nghìn người xếp hàng bên ngoài nhà thi đấu Thanh Trì để chờ vào xem môn bóng rổ ở bất cứ kỳ SEA Games nào.
Sức chứa 5.000 chỗ ngồi ở nhà thi đấu Bắc Giang dường như là không đủ đáp ứng sự hâm mộ cầu lông của người dân địa phương. Những tiếng hò reo sôi động như cổ vũ bóng đá ở Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình chắc chắn cũng đã tiếp thêm tinh thần cho các kình ngư Việt Nam và Đông Nam Á phá nhiều kỷ lục. Huyền thoại billiards người Philippines Efren Reyes cũng được hàng nghìn bạn trẻ vây kín khi thi đấu tại SEA Games 31.
Và còn rất nhiều chi tiết nhỏ như chuyện cô tình nguyện viên Việt Nam khóc vì phải chia tay đội tuyển U23 Malaysia lên Việt Trì đá trận bán kết. Hay hình ảnh nữ tình nguyện viên Việt Nam chạy rất nhanh để đưa lá cờ Timor Leste cho VĐV Felisberto trong giây phút anh làm nên lịch sử với tấm HCB 10.000m đầu tiên của điền kinh nước này tại các kỳ SEA Games.
Kỳ SEA Games nhân văn, thể thao cao thượng
Sau khi giành tấm HCB cho thể thao Timor Leste, VĐV Felisberto đã đến ăn mừng cùng VĐV Nguyễn Văn Lai (HCV nội dung 10.000 m) của nước chủ nhà Việt Nam. Hình ảnh Felisberto khoác cờ Timor Leste, tay cầm cờ Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị trong thể thao của các quốc gia Đông Nam Á. Nguyễn Văn Lai và gia đình đã nhường Felisberto đứng trên bục cao nhất để chụp ảnh lưu niệm.
Cũng trong nội dung 10.000m, tinh thần không bỏ cuộc của VĐV người Myanmar San Naing cũng để lại ấn tượng. Anh bị các đối thủ bỏ xa 3 vòng sân nhưng vẫn nỗ lực đến phút cuối cùng để hoàn thành bài thi. Đặc biệt hơn, VĐV này liên tục vỗ tay chúc mừng Nguyễn Văn Lai của Việt Nam cán đích đầu tiên và cũng nhận lại sự cổ vũ nồng nhiệt từ CĐV nước chủ nhà.
SEA Games 31 không thiếu những câu chuyện lay động lòng người. Trong lễ khai mạc, một người hâm mộ đã cầu hôn người yêu đúng giây phút pháo hoa rực rỡ trên sân Mỹ Đình.
Đến ngày thi đấu 15/5, VĐV Nguyễn Tiến Trọng xuất sắc giành huy chương vàng môn nhảy xa cho Đoàn thể thao Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, Tiến Trọng khoác cờ đỏ sao vàng quỳ xuống, cầu hôn bạn gái – VĐV của đội tuyển cầu mây Việt Nam Nguyễn Thị Phương Trinh. Một cái kết quá tuyệt vời cho tình yêu của cặp đôi thể thao Việt Nam.
Người ta cũng sẽ nhắc nhiều đến những giọt nước mắt trên vai mẹ của chân chạy Trần Nhật Hoàng, người tuột mất huy chương trong những mét cuối cùng hay hình ảnh VĐV nước bạn chăm sóc Đinh Thị Bích khi cô ngã trên đường chạy 800m nữ.
Ở bộ môn thể thao điện tử (Esports), hình ảnh bậc phụ huynh của các tuyển thủ Việt Nam cổ vũ tại địa điểm thi đấu đã giúp cho thế hệ đi trước giảm đi phần nào định kiến về game online và hiểu hơn về đam mê của giới trẻ hiện nay. Thể thao không chỉ có tranh đua khắc nghiệt mà còn có thể là cầu nối giữa người với người.
Kỳ SEA Games thành công vượt bậc với thể thao Việt Nam
Thể thao Việt Nam bước vào SEA Games với nhiều nỗi lo. Dịch bệnh phức tạp khiến các VĐV không có nhiều cơ hội tập huấn và thi đấu ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Nhiều cái tên không thể góp mặt vì nhiều lý do như Thạch Kim Tuấn môn cử tạ, Lê Tú Chinh môn điền kinh hay như ‘tiểu tiên cá’ Nguyễn Thị Ánh Viên môn bơi lội, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu săn vàng của đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, các VĐV Việt Nam đã cống hiến mồ hôi và nước mắt, thi đấu với hơn 100% sức lực để giúp Việt Nam nhất toàn đoàn với thành tích 205 HCV – kỷ lục SEA Games. Bên cạnh đó, các tuyển thủ Việt Nam cũng đã phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung. Kỳ SEA Games thành công với thể thao Việt Nam kết thúc với tấm HCV môn bóng đá nam trong ngày thi đấu cuối cùng.
Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam giành được 116 HCV các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 56% tổng số HCV đã đạt được tại SEA Games 31. Cụ thể, môn điền kinh giành được nhiều nhất với 22 HCV, cân bằng kỷ lục của điền kinh Thái Lan. Ngoài ra, các môn nằm trong hệ thống của Olympic giành được HCV lần lượt là: Bơi lội (11), boxing (3), canoeing (8), xe đạp (4), đấu kiếm (5), bóng đá (2), thể dục dụng cụ (4), bóng ném (2), judo (9), bắn súng (7), bóng bàn (1), taekwondo (9), tennis (1), cử tạ (3), vật (17).
Môn điền kinh, Nguyễn Linh Na để lại ấn tượng với tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam sau 17 năm ở nội dung 7 môn phối hợp. Quách Thị Lan cũng vượt đàn chị Nguyễn Thị Huyền giành chiếc HCV cá nhân đầu tiên ở nội dung 400m rào nữ SEA Games. Hoàng Nguyên Thanh cũng mang về HCV marathon nam đầu tiên của thể thao Việt Nam với màn bứt tốc khó tin ở những km cuối cùng. Chân chạy Nguyễn Thị Oanh cũng mang về đến 3 HCV, phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
Môn bơi lội, Huy Hoàng mang về 5 HCV, vượt qua thành tích của nhà vô địch Olympic Schooling. Anh thiết lập 3 kỉ lục SEA Games mới ở nội dung 400m bơi tự do với thời gian 3 phút 48 giây 06 (phá luôn kỉ lục quốc gia), 800m tự do (7 phút 50 giây 20) và bơi tiếp sức đồng đội 4x200m tự do (7 phút 16 giây 31). Những kình ngư khác như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo hay Nguyễn Quang Thuấn (em trai Ánh Viên) cũng để lại nhiều ấn tượng về thế hệ kế cận của bơi lội Việt Nam.
Sự tiến bộ của thể thao Việt Nam ở những môn Olympic sẽ là động lực giúp các VĐV hướng đến những mục tiêu xa hơn như Asiad hay Olympic Paris 2024. SEA Games 31 cũng đã chỉ ra tiềm năng phát triển rất lớn của thể thao Việt Nam thông qua hình ảnh người hâm mộ đổ về các nhà thi đấu. Sự quan tâm của người dân cả nước phần nào đó sẽ giúp các bộ môn thu hút thêm các nhà tài trợ, đẩy mạnh xã hội hóa thể thao.
SEA Games 31 tại Việt Nam vẫn còn đó những thiếu sót không thể tránh khỏi trong quá trình chuẩn bị và tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, các môn thi đấu đều diễn ra trong sự công bằng, từ công tác trọng tài đến các thiết bị thi đấu. Hơn hết, những tình cảm nồng ấm của người hâm mộ Việt Nam sẽ giúp cho SEA Games 31 trở thành một trong những kỳ SEA Games đáng nhớ nhất trong lòng bạn bè quốc tế.
(Nguồn Báo Tiền Phong)
Link bài viết: https://tienphong.vn/tong-ket-sea-games-31-ky-dai-hoi-day-ky-luc-va-am-ap-tinh-nguoi-post1440740.tpo